Có nên ăn sushi khi đang cho con bú?

Một số hướng dẫn khuyên bạn nên tránh ăn sushi khi mang thai, tuy nhiên đối với những người yêu thích sushi sẽ rất vui khi biết rằng họ có thể thưởng thức lại món ăn này sau khi sinh em bé. Mặc dù sushi thích hợp để ăn khi đang cho con bú nhưng phụ nữ nên tránh một số loại cá chứa nhiều thủy ngân.

1. Ăn sushi có an toàn khi cho con bú không?

Ăn sushi khi đang cho con bú có thể an toàn cho cả mẹ và bé, miễn là phụ nữ ăn ở nhà hàng uy tín, sử dụng cá chất lượng cao có nguồn gốc xuất xứ theo đúng quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu không rõ nguồn gốc cá, tốt nhất bạn nên hỏi thêm thông tin của nhân viên nhà hàng.

Tuy nhiên, phụ nữ mang thai cần tránh cá sống, bởi vi khuẩn và ký sinh trùng có thể gây nguy hiểm cho chính thai nhi.

Phụ nữ đang cho con bú nên tránh ăn bất kỳ loại cá nào có chứa hàm lượng thủy ngân cao, bất kể cá đó sống hay nấu chín. Bởi một số thủy ngân có thể truyền sang em bé qua sữa mẹ. Hiện những loại cá được xác định chứa nhiều thuỷ ngân như: cá ngừ mắt to, cá thu vua, cá mập, cá kiếm, cá đuôi vàng.

Mặc dù lượng thủy ngân đến sữa mẹ sẽ rất ít, nhưng trẻ sơ sinh dễ bị nhiễm chất độc. Bởi thủy ngân có thể ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh của trẻ đang phát triển.

2. Chế độ ăn cá nấu chín áp dụng cho bà mẹ nuôi con bú

Cá nấu chín mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho phụ nữ đang cho con bú và trẻ bú mẹ. Đặc biệt, cá nước lạnh rất giàu vitamin D và axit béo omega-3. Nó cũng chứa nhiều protein và ít chất béo bão hòa. Lợi ích sức khỏe của cá đối với trẻ sơ sinh chủ yếu là do hàm lượng omega-3 giúp thúc đẩy thị giác và phát triển nhận thức tốt.

Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) khuyên bạn nên ăn 2-3 khẩu phần cá này mỗi tuần. Một khẩu phần cá cỡ người lớn khoảng 113 gam cá.

Những phụ nữ ăn nhiều cá đóng hộp nên theo dõi hàm lượng natri của những loại thực phẩm này để đảm bảo rằng hàm lượng natri vẫn ở dưới mức giới hạn khuyến nghị. Ngay cả một số loại cá an toàn để ăn, chẳng hạn như cá cơm, có thể chứa nhiều natri khi đóng hộp.

Bà mẹ nuôi con bú nên ăn thức ăn đã được chế biến chín

3. Listeria và lây nhiễm chéo

Bà mẹ cho con bú có ăn sushi được không? Để trả lời câu hỏi này, trước tiên cần xét đến một trong những rủi ro chính của việc ăn sushi sống là làm tăng khả năng mắc bệnh do thực phẩm, chẳng hạn như bệnh listeriosis. Bệnh Listeriosis do nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes.

Các triệu chứng của nhiễm khuẩn listeria bao gồm: bệnh tiêu chảy, sốt, đau cơ, buồn nôn, nôn mửa. Phụ nữ mang thai bị nhiễm khuẩn listeriosis có thể truyền mầm bệnh cho em bé đang phát triển qua nhau thai, có thể dẫn đến thai chết lưu, sẩy thai hoặc sinh non.

Vi khuẩn Listeria ít được quan tâm hơn đối với phụ nữ cho con bú, vì vi khuẩn này không truyền qua sữa mẹ sang em bé.

Lây nhiễm chéo là một nguy cơ khác liên quan đến việc ăn sushi. Lây nhiễm chéo xảy ra khi những người làm việc trong bếp nhà hàng sử dụng chung các dụng cụ để chế biến cá nấu chín và chưa nấu chín. Những người đặt hàng cá đã nấu chín có thể bị bệnh do vi khuẩn và mầm bệnh đã chuyển vào bữa ăn của họ từ cá sống.

Một số mẹo an toàn giúp đưa ra quyết định thực phẩm an toàn để tránh lây nhiễm vi khuẩn khi mang thai:

  • Thực hành các kỹ thuật xử lý an toàn thích hợp. Làm sạch bề mặt thật sạch bằng dung môi diệt khuẩn thích hợp khi chuyển từ thức ăn chín sang thức ăn sống.
  • Rửa tay thật sạch sẽ với dung dịch sát khuẩn.
  • Lưu ý ngày giờ đối với các mặt hàng lạnh, dễ hỏng. Điều này có thể giúp đảm bảo chúng được tiêu thụ càng sớm càng tốt.
  • Luôn lau tủ lạnh và lau chùi thường xuyên. Đừng quên về các kệ chứa thịt sống. Các khu vực như tay nắm cửa cũng chứa vi khuẩn.
  • Cân nhắc sử dụng nhiệt kế tủ lạnh. Đảm bảo rằng tủ lạnh luôn ở nhiệt độ 4,4 ° C trở xuống. Để kiểm tra nhiệt độ này cần trang bị thêm nhiệt kế tủ lạnh.

4. Một số lựa chọn thay thế cho sushi cá

Đối với những phụ nữ thích ăn sushi, đặc biệt là sushi cá hồi nhưng không muốn ăn cá sống khi đang cho con bú, có thể áp dụng các lựa chọn sushi chay cũng có thể mang lại cảm giác ngon miệng như ăn sushi cá thật.

Lựa chọn ăn sushi chay thay thế cho sushi cá dành cho bà mẹ nuôi con bú

Ví dụ, phụ nữ có thể chọn các cuộn maki rau củ có chứa bơ, dưa chuột và củ cải muối và phủ lên trên chúng với wasabi và nước tương.

Các lựa chọn ăn chay khác bao gồm nigiri thực vật và inari. Điều đáng chú ý là những lựa chọn ăn chay này không chứa một số chất dinh dưỡng nhất định, chẳng hạn như axit béo omega-3 hoặc vitamin D, nhưng những chất dinh dưỡng này có sẵn từ các nguồn khác.

Nhằm tránh bệnh liên quan đến thực phẩm, phụ nữ mang thai và cho con bú có thể giảm nguy cơ khi ăn sushi hoặc các thực phẩm khác bằng cách thực hiện những điều sau:

  • Ăn uống tại các nhà hàng uy tín.
  • Hỏi nhân viên nhà hàng nơi họ lấy cá và cách họ xử lý thức ăn.
  • Thực hành các kỹ thuật xử lý thực phẩm an toàn khi chế biến thực phẩm tại nhà bằng cách sử dụng các dụng cụ và bề mặt khác nhau cho thực phẩm sống và chín.
  • Rửa tay kỹ sau khi chạm vào cá hoặc thịt sống.
  • Tránh thực phẩm có hạn sử dụng quá hạn.
  • Giữ tủ lạnh ở nhiệt độ thích hợp và vệ sinh tủ lạnh thường xuyên để tránh vi khuẩn phát triển.

Phụ nữ mang thai nếu không ăn sushi có thể ăn những viên xôi nhỏ và rau không có cá. Sau khi sinh con xong, phụ nữ không còn phải tránh ăn sushi vì nó an toàn khi cho con bú. Ăn cá, dù sống hay nấu chín, đều có thể mang lại một số lợi ích cho cả phụ nữ đang cho con bú và trẻ bú sữa mẹ. Đặc biệt, axit béo omega-3 và vitamin D rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ sơ sinh.

Phụ nữ cho con bú nên ăn ít nhất 226 gam cá mỗi tuần. Tuy nhiên, điều quan trọng là tránh ăn cá chứa nhiều thủy ngân, vì kim loại nặng này có thể đi qua sữa mẹ và gây hại cho trẻ sơ sinh. Khi ăn sushi tại nhà hàng, bạn nên hỏi về nguồn gốc của cá và chính sách xử lý an toàn của nhà hàng để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn chéo hoặc nhiễm khuẩn listeria.

Chế độ ăn khi mang thai và cho con bú đóng vai trò rất quan trọng, khi ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của bé và sức khỏe bà mẹ. Do đó, chúng ta nên cân nhắc và đưa ra những lựa chọn phù hợp về chế độ dinh dưỡng trong thời gian này.